Thực hiện Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh về Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 13), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2511 Quy định về thực hiện Chính sách. Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các Sở, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, cụ thể: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn xác định đối tượng đăng ký và quy trình đăng ký thoát nghèo bền vững; hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ công nhận hộ thoát nghèo bền vững; hướng dẫn cấp thẻ BHYT cho người thuộc hộ thoát nghèo bền vững; hướng dẫn thực hiện chế độ cấp bù học phí cho học sinh, sinh viên con hộ thoát nghèo bền vững; hướng dẫn thực hiện Chính sách thưởng cho hộ thoát nghèo bền vững và cho cộng đồng thôn có hộ thoát nghèo bền vững. Sở Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí cho các địa phương để thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được công nhận thoát nghèo bền vững năm 2017-2020, trong đó có bố trí ngân sách tỉnh cho ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện cho vay theo Nghị quyết 13; thực hiện quyết toán kinh phí Nghị quyết 13 theo đúng quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cấp bù 100% học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông các cấp học và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3,4,5 tuổi; điều chỉnh thời gian được hưởng Chính sách giáo dục khi thoát nghèo bền vững. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn chỉ đạo việc cho cho vay thực hiện khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết số 13.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã và thành phố đã tổ chức hội nghị để triển khai; cơ quan chủ trì là Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn, phối hợp với các ngành liên quan biên soạn nội dung Tờ rơi cấp phát cho cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo và tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản nhất của chính sách đến với cán bộ thôn, hộ dân; tổ chức các buổi đối thoại chính sách với cán bộ huyện, xã, thôn và hộ dân về chính sách Nghị quyết 13, có lồng ghép với các chính sách giảm nghèo khác có triển khai trên địa bàn; Sở đã hợp đồng với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam (QRT) thực hiện các phóng sự về khuyến khích thoát nghèo bền vững, mở Chuyên mục giảm nghèo bền vững trên sóng QRT; thiết kế biểu mẫu thu thập thông tin hộ thoát nghèo bền vững để xây dựng phần mềm quản lý và thực hiện chính sách khuyến khích,... Địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức đa dạng như thông báo nội dung chính sách trên hệ thống loa phát thanh của thôn, khối phố, xã, phường, thị trấn; tổ chức hội nghị triển khai cho các cán bộ các ngành, đoàn thể và cán bộ Ban dân chính thôn, khối phố; tổ chức đối thoại, giải thích cho hộ nghèo, cận nghèo biết nội dung, mục đích và ý nghĩa của chính sách tự nguyện đăng ký thoát nghèo, kết hợp cấp phát tài liệu về nội dung Nghị quyết 13 cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng khác trên địa bàn; Phối hợp với các ngành, địa phương và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam xây dựng 01 phim tài liệu để tuyên truyền gương thoát nghèo tiêu biểu trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến, nêu gương, tạo phong trào đăng ký thoát nghèo mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.
Kết quả đăng ký và công nhận hộ gia đình thoát nghèo bền vững từ năm 2017 đến năm 2019: Tổng số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập theo danh sách gốc năm 2016, đủ điều kiện đăng ký thoát nghèo bền vững theo quy định tại Nghị quyết là 11.343 hộ/46.710 khẩu; UBND cấp xã đã tổ chức rà soát, đánh giá và quyết định công nhận được 9.989 hộ/40.383 khẩu nghèo thoát nghèo bền vững. Tổng số hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững là 12.608 hộ/52.028 khẩu, UBND cấp xã đã tổ chức rà soát, đánh giá và quyết định công nhận được 11.924 hộ/49.206 khẩu cận nghèo thoát cận nghèo. Tổng kinh phí do ngân sách tỉnh đã chi hơn 345 tỷ đồng để chi: Chính sách thưởng bằng tiền mặt cho hộ thoát nghèo bền vững; Chính sách thưởng cho cộng đồng thôn có hộ nghèo, hộ cận nghèo được công nhận thoát nghèo bền vững năm; Chính sách hỗ trợ về y tế; Chính sách hỗ trợ về giáo dục; Chính sách hỗ trợ về tín dụng.

UBND các huyện, thị xã và thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND cấp xã triển khai thực hiện chi trả chính sách khuyến khích tương đối kịp thời, đúng quy định đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo khi đăng ký thoát nghèo bền vững; cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các thành viên trong hộ khi được công nhận thoát nghèo bền vững và thưởng cho cộng đồng thôn, khối phố. Nghị quyết 13 ban hành phù hợp với chủ trương Nghị quyết 76 của Quốc hội, Nghị quyết 80 của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, phù hợp với thực trạng nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và đã góp phần rất lớn trong việc đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương và của tỉnh.
Tuy nhiên, kết quả đăng ký thoát nghèo và được công nhận thoát nghèo bền vững chưa nhiều, chưa đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 13 đề ra, cụ thể: 03 năm có 11.343 hộ nghèo đăng ký và UBND cấp xã quyết định công nhận 9.989 hộ nghèo thoát nghèo bền vững, đạt 92,49% so với mục tiêu nghị quyết 13; Có 12.608 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững và UBND cấp xã quyết định công nhận 11.924 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, đạt 79,49% so với mục tiêu Nghị quyết nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao hơn bình quân chung của cả nước (đến cuối năm 2019, Quảng Nam còn 25.650 hộ nghèo, tỷ lệ 6,06%; trong khi bình quân chung của cả nước còn dưới 5%). Chất lượng đăng ký thoát nghèo và hộ thoát nghèo ở một số địa phương, hộ dân chưa đảm bảo tính bền vững, thiếu giải pháp thoát nghèo trong đơn đăng ký thoát nghèo của hộ gia đình, biện pháp hỗ trợ thực hiện chưa rõ, thiếu sự hướng dẫn từ chính quyền và cộng đồng. Bên cạnh đó vẫn còn một số xã, huyện có nhiều hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó số hộ nghèo có khả năng thoát nghèo nhiều nhưng kết quả đăng ký, thoát nghèo rất thấp, không đạt chỉ tiêu đề ra; công tác quản lý hồ sơ đăng ký và ban hành quyết định công nhận thoát nghèo ở một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định. Một số hộ nghèo mới phát sinh năm 2017, 2018 đến nay đủ điều kiện đăng ký thoát nghèo bền vững nhưng không thuộc đối tượng được đăng ký theo quy định tại Nghị quyết 13… Chính sách khuyến khích bổ sung thông qua hỗ trợ lãi suất cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn các huyện miền núi; cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ hợp tác, hợp tác xã; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh khi nhận giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 13 tuy đã được các địa phương phổ biến, triển khai nhưng chưa có đơn vị nào quan tâm, thực hiện.
Để công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt yêu cầu và bền vững cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
1. HĐND và UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 13 cho năm 2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào cuối năm 2020 theo chuẩn nghèo giai đoạn mới 2021-2025, sẽ có nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cho phù hợp thực tiễn.
2. Tăng nguồn vốn ngân sách tỉnh để bố trí cho Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; đồng thời, bố trí ngân sách tỉnh cho các huyện có khó khăn về ngân sách để hỗ trợ cho cấp xã có số hộ nghèo đăng ký thoát nghèo nhiều nhưng có không nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo đăng ký, thực hiện phương án thoát nghèo bền vững; mức vốn bố trí theo số lượng hộ đăng ký thoát nghèo bền vững của từng địa phương;
3. UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn các huyện miền núi; cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ hợp tác, hợp tác xã; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh khi thực hiện giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững theo nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.
4. Ngành Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn sử dụng tiền thưởng cho hộ nghèo đươc công nhận thoát nghèo bền vững đảm bảo hiệu quả, đồng thời chủ trì hướng dẫn các địa phương ưu tiên nguồn vốn bố trí thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung ưu tiên trước cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo để thực hiện phương án thoát nghèo bền vững theo nội dung đăng ký.
5. UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát, phân loại, lập danh sách hộ có khả năng thoát nghèo; tổ chức tuyên truyền, vận động đăng ký thoát nghèo bền vững và hoàn thành đăng ký theo đúng quy định; huy động nguồn lực và phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ cho hộ đăng ký thoát nghèo thực hiện phương án, kế hoạch thoát nghèo của gia đình (ít nhất mỗi hộ có 01 cán bộ, cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ để thoát nghèo); tổ chức thực hiện chi trả kịp thời các chính sách khuyến khích cho hộ thoát nghèo bền vững; theo dõi, quản lý hộ thoát nghèo thường xuyên và có giải pháp hỗ trợ kịp thời nhằm hạn chế tái nghèo.
6. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để nắm được nội dung, tinh thần của chính sách; phối hợp chặt chẽ với chính quyền để bàn bạc, thống nhất đối tượng, nội dung hỗ trợ, nguồn lực hỗ trợ để giúp thoát nghèo hiệu quả, góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo và chất lượng giảm nghèo bền vững; đồng thời giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chính sách đối với người nghèo nói chung, trong đó có Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh./.