10 dấu ấn nổi bật về giáo dục nghề nghiệp năm 2019

1. Thể chế, chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện (Luật giáo dục sửa đổi, Bộ Luật lao động sửa đổi được thông qua).

          Trong năm 2019, nhiều chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang, cơ chế cho đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nổi bật là một số chính sách, quy định được cụ thể hóa trong Luật giáo dục (sửa đổi) và Bộ Luật lao động (sửa đổi):

1.1. Luật Giáo dục (sửa đổi)

 Ngày 14/6/2019, Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với những nội dung mới quy định về giáo dục nghề nghiệp như sau: Quy định rõ thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Xác định rõ cơ chế phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp; Xác định rõ cơ chế liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam; Quy định rõ chức năng đào tạo văn hóa trung học phổ thông trong các trường cao đẳng, trường trung cấp; Quy định rõ thẩm quyền của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh học tại cơ sở của mình; Quy định rõ giá trị pháp lý của giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để người học đủ điều kiện theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả trình độ cao đẳng; Quy định rõ các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc giáo dục quốc dân, và các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp; Quy định rõ các cơ sở giáo dục được phép tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cũng như cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp và việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

 

             Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi)

           1.2.  Bộ Luật lao động (sửa đổi)

           Ngày 20/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi. Về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Luật lao động sửa đổi đã quy định cụ thể về các nội dung: Doanh nghiệp, người sử dụng lao động được phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định; Tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động; tham gia hội đồng kỹ năng nghề; dự báo nhu cầu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tổ chức đánh giá và công nhận kỹ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, một số thuật ngữ, khái niệm như học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động được định nghĩa rõ ràng và đầy đủ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò, quyền và trách nhiệm trong hoạt động đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho lao động tại doanh nghiệp hoặc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nơi khác; Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

2. Tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Skilling up Việt Nam; Hội thảo quốc gia VEC 2019 - “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.

Với mục tiêu và khát vọng xây dựng một quốc gia thịnh vượng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi việc phát triển lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng tay nghề cao thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện đại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế là giải pháp then chốt để thực hiện khát vọng trên. Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Skilling up Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” được tổ chức vào ngày 16/11/2019 tại Hà Nội, đây là lần đầu tiên một diễn đàn về kỹ năng nghề với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Diễn đàn khẳng định một tầm nhìn và khát vọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng tay nghề đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045. Chính chủ đề của Diễn đàn đã nói lên thông điệp khẳng định vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; gắn kết mạnh mẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh ý nghĩa về mặt chuyên môn, Diễn đàn còn là dịp nhìn lại 03 năm triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh truyền thông nâng tầm hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp trong xã hội, cộng đồng doanh nghiệp. 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức “Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường đồng hành đổi mới, nâng cao chất ượng giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động VN”

Các hoạt động bên lề của Diễn đàn được tổ chức đồng bộ với 5 Hội thảo với 5 chủ đề: Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0; Thực trạng và giải pháp gắn kết GDNN với doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp; Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo tại doanh nghiệp; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng nghề - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục nghề. Hoạt động kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, triển lãm thiết bị dạy nghề và triển lãm ảnh về giáo dục nghề nghiệp.

          Kết thúc Diễn đàn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong việc phát triển kỹ năng, đổi mới, tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

          Hội thảo quốc gia VEC 2019 được Ủy Ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức vào ngày 20/9/2019, với chủ đề Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất ý tưởng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, từ đó, góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Ủy ban, các Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng thẩm tra, giám sát và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và cơ quan hữu quan hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát triển giáo dục nghề nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế của đất nước.

3. Lần đầu tiên Việt Nam giành huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới.

       Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 được tổ chức từ ngày 16/8/2019 đến 28/8/2019 tại KaZan Liên Bang Nga. Kỳ thi năm nay có quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay với số lượng nghề thi chính thức là 56 nghề đến từ 63 quốc gia, vùng lãnh thổ của Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới; số thí sinh đăng ký dự thi là 1355 thí sinh. Ngoài 56 nghề thi chính thức, kỳ thi năm nay có 12 nghề được tổ chức cho các em ở tuổi thanh thiếu niên từ 15 – 17 tuổi; 15 nghề tổ chức giới thiệu kỹ năng tương lai và 09 nghề trình diễn. Về kết quả kỳ thi, đoàn Việt Nam giành 01 huy chương bạc, 8 chứng chỉ nghề xuất sắc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa cho đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới năm 2019 tại Diễn đàn

Kỳ thi đánh dấu bước tiến mới của Đoàn Việt Nam khi tham gia đấu trường Kỹ năng nghề thế giới. Theo đánh giá chung, chất lượng bài thi của thí sinh Đoàn Việt Nam tại Kỳ thi lần thứ 45 cao hơn so với các Kỳ thi lần trước. Đặc biệt, Đoàn Việt Nam đã giành một huy chương Bạc nghề Phay CNC, toàn Đoàn đạt thành tích tốt nhất từ trước tới nay trong các Kỳ thi tay nghề thế giới. Việc thí sinh Việt Nam đạt thành tích cao ở Kỳ thi tay nghề thế giới cho thấy công tác huấn luyện và tuyển chọn thí sinh tham gia thi thi tay nghề đã đúng hướng và hiệu quả. Đồng thời cũng khẳng định sự gắn kết với giáo dục nghề nghiệp, xã hội hóa trong công tác dạy nghề nói chung và đào tạo, huấn luyện thí sinh tham gia các Kỳ thi tay nghề thế giới và khu vực. Trình độ kỹ năng nghề của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, sánh ngang tầm khu vực và thế giới. Điều này cho thấy phong trào dạy và học, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, rông khắp cả nước ở tất cả các cấp; Sớm hội nhập quốc tế về thi tay nghề, tăng cường hợp tác quốc tế về thi tay nghề.

4. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp tăng 13 bậc theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

         Năm 2019, ngành giáo dục nghề nghiệp tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ, trọng tâm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cũng là năm bản lề để bước vào năm cuối hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020. Được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã và đang có những chuyển biến tích cực mang tính đột phá và toàn diện, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động trong nước và quốc tế, chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, tiếp cận với khu vực và thế giới. Ước năm 2019, tuyển sinh GDNN được 2.338 nghìn người, đạt 103,5% kế hoạch năm, bằng 105,8% so với năm 2018; trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 568 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.770 nghìn người. Đây là năm thứ 3 liên tiếp kể từ khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp được thống nhất quản lý về Bộ LĐ-TB&XH, ngành giáo dục nghề nghiệp đạt vượt chỉ tiêu về tuyển sinh. Điều đó thể hiện trước hết là ở chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều đổi mới trong phát triển đổi ngũ nhà giáo, phương pháp giảng dạy và đặc biệt thay đổi tư duy nhận thức trong tổ chức đào tạo, tuyển sinh gắn với tuyển dụng, đào tạo gắn với ví trí việc làm. Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm. Theo thống kê, năm 2019, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp TC, CĐ có việc làm, có trường, có nghề đạt tỷ lệ 100% với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.

          Trước yêu cầu phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, năm 2019, Chính phủ quan tâm đầu tư phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án "Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025". Đề án nhằm phát triển trường cao đẳng chất lượng cao với các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu, chất lượng thông qua hoạt động kiểm định chất lượng quốc tế. Đến nay đã có hàng chục trường có chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường 12 nghề đạt tiêu chuẩn của Úc; 45 trường 22 nghề đạt tiêu chuẩn của Đức.

          Với những nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2019, năm bản lề để hoàn tất các mục tiêu của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020, chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã được khẳng định, thể hiện rõ nét vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chất lượng đào tạo nghề nghiệp Việt Nam năm 2019 tăng tới 13 bậc. Việt Nam là nước tăng cao nhất trong khu vực ASEAN.

5. Truyền thông giáo dục nghề nghiệp lan tỏa tích cực, thu hút ngày càng nhiều người học và sự quan tâm của doanh nghiệp, của xã hội; ứng dụng CNTT trong quản lý và kết nối doanh nghiệp được tăng cường.

Công tác truyền thông Giáo dục nghề nghiệp trong năm tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh với nhiều hoạt động đa dạng: Phối hợp, tham gia cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,  Báo Tuổi trẻ tổ chức các ngày hội tư vấn tuyển sinh; phối hợp cùng Đại sứ quán Úc tổ chức Tuần lễ tay nghề Úc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Phối hợp với các cơ quan Báo chí, Hội nghề nghiệp tổ chức phát động các cuộc thi viết, xây dựng video, sáng tác ca khúc về giáo dục nghề nghiệp. Nhiều hoạt động của giáo dục nghề nghiệp được livestream trực tiếp trên mạng xã hội, thu hút đông đảo người xem.

Truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2019 đã bám sát các hoạt động, sự kiến lớn của ngành giáo dục nghề nghiệp, đa dạng các nội dung, phương thức truyền thông nhằm truyền tải kịp thời hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp tới doanh nghiệp, người dân và xã hội.