Định hướng Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030

  Sáng ngày 16/06/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo Định hướng Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tham dự Hội thảo có ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghệp, đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục – Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ; Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực; lãnh đạo Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam; đại diện Văn phòng ILO tại Hà Nội; Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, GIZ; Dự án Aus4Skills, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội; đại diện Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021; lãnh đạo Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; đại diện lãnh đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đại diện phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí. 

 

 

                  Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết thời qua, hệ thống chính sách về giáo dục nghề nghiệp được xây dựng khá đầy đủ, Ban cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai Chỉ thị này. Để giải quyết bài toán xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần bỏ qua lối tư duy cũ, tiếp bước đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của mỗi quốc gia mà còn là vấn đề của toàn cầu, phát triển giáo dục nghề nghiệp cần đi liền với di cư và lao động quốc tế, nâng cao trình độ kỹ năng của lao động, tăng năng lực canh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Hơn nữa, bài toán dân số già cũng đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp tăng cường phát triển kỹ năng của người lao động, đào tạo và đào tạo lại cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới cần tập trung về đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đổi mới tư duy trong quản lý. Chiến lược sẽ bao gồm những giải pháp mang tính tổng thể nhưng cũng linh hoạt, mềm dẻo trong quá trình triển khai thực hiện. Hy vọng, Hội thảo sẽ có nhiều ý kiến tham luận thẳng thắn, cởi mở đóp góp thiết thực cho công tác xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp.