1. Số Đội Công tác xã hội tình nguyện được thành lập: Kết thúc năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 32 xã, phường, thị trấn được thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện, với 220 tình nguyện viên tham gia, trong đó: 01 Đội có 9 tình nguyện viên, 28 Đội có 7 tình nguyện viên và 03 Đội có 5 tình nguyện viên.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến công tác xây dựng và tổ chức các hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng như các quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác xây dựng và tổ chức các hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện trong giai đoạn vừa qua chủ yếu được thực hiện lồng ghép; nhiều cơ quan chính quyền, Mặt trận và các Hội, đoàn thể chủ động lồng ghép tuyên truyền về nội dung trên vào các hoạt động và các chương trình kinh tế xã hội ở địa phương. Qua đó đã truyền tải cơ bản các nội dung đến các cấp, các ngành và tầng lớp dân cư; vận động được một số đối tượng là những người từng nghiện ma tuý, bán dâm hoàn lương tham gia các hoạt động công tác của Đội công tác xã hội tình nguyện.
- Tổng số buổi tuyên truyên về công tác xây dựng và tổ chức các hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện trong giai đoạn vừa qua là 376 buổi (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 118 buổi; huyện, thị xã, thành phố tổ chức 66 buổi; xã, phường, thị trấn tổ chức 192 buổi); với hơn 56.400 lượt người tham dự.
3. Công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện.
- Trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát, đánh giá, bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch, phối hợp với ngành Công an, Y tế và các ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn. Trong đó tập trung cho công tác tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai ở cộng đồng (lập hồ sơ quản lý; điều trị y tế; can thiệp tâm lý; giảm hại cho người nghiện ma tuý…), hỗ trợ đối với người bán dâm, nạn nhân bị mua bán (phòng ngừa lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, HIV/AIDS; hỗ trợ hoà nhập cộng đồng,…), các nội dung dự phòng nghiện, tái nghiện ma túy, mại dâm, mua bán người cho người dân,…
Ở địa phương, một số Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn được đầu tư thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện cũng quan tâm đến công tác này và tổ chức được nhiều lớp tập huấn cho các thành viên của Đội.
- Tổng số lớp tập huấn dành cho các thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua là 33 lớp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 22 lớp; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố tổ chức 06 lớp; xã, phường, thị trấn tổ chức 05 lớp); với hơn 6.260 lượt người tham dự.
4. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đội công tác xã hội tình nguyện ở các xã, phường, thị trấn.
4.1. Về tổ chức thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
- Các Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội, đoàn thể, các thôn, khối phố ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên lĩnh vực về phòng, chống tệ nạn xã hội, với nhiều hình thức khác nhau, tập trung cho các đối tượng vi phạm pháp luật, người nghiện ma tuý, mại dâm, nạn nhân bị mua bán, người nhiễm HIV/AIDS, nhóm có nguy cơ cao (thanh niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, trẻ em, người đồng bào dân tộc thiểu số,…) và người dân trên địa bàn. Qua đó nâng cao ý thức pháp luật, hiểu biết về các tác hại, hệ lụy gây ra của tệ nạn ma tuý, mại dâm, mua bán người, HIV/AIDS cho quần chúng nhân dân, vận động cộng đồng từng bước giảm kỳ thị, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trong quá trình điều trị, tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng, công tác dự phòng phát sinh tệ nạn xã hội, lây nhiễm HIV/AIDS ở các địa phương được tăng cường.
- Các Đội công tác xã hội tình nguyện trong giai đoạn vừa qua đã tổ chức được 222 lớp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, 50 buổi chương trình ngoại khoá ở các trường học, 55 buổi đối thoại với người vi phạm pháp luật, 03 buổi tọa đàm về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, 10 buổi mitting nhân các ngày 26/6 (ngày quốc tế phòng, chống ma tuý), 30/7 (ngày toàn dân phòng, chống mua bán người), 01/12 (ngày thế giới phòng, chống bệnh AIDS); 15 cuộc tuyên truyền lưu động, tuyên truyền tại 230 cuộc họp dân ở thôn, khối phố ở địa phương; với hơn 77.250 lượt người tham gia.
Ngoài ra, còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội trên loa truyền thanh ở xã, phường, thị trấn, thôn, khối phố; tổ chức 90 đêm tuyên truyền tại các điểm dân cư phức tạp; xây dựng được 65 bài tuyên truyền; phát sóng 05 phóng sự về công tác tái hòa nhập cộng đồng và gương hoàn lương tiêu biểu; xây dựng 278 pano, áp phích, 100 câu khẩu hiệu và phát hơn 1.400 tờ rơi.
4.2. Về việc tham gia công tác đấu tranh, quản lý, tư vấn, giáo dục, vận động, cảm hóa, hỗ trợ cho các đối tượng.
- Công tác đấu tranh, quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ các đối tượng nghiện ma tuý, mại dâm, nạn nhân bị mua bán, người nhiễm HIV/AIDS ở các địa phương được tăng cường và có hiệu quả hơn so với trước đây từ khi thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện. Thông qua hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện đã phát hiện tố giác nhiều tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật, kịp thời tiếp cận, ngăn chặn, cảm hoá, can thiệp tâm lý, kết nối nhiều dịch vụ xã hội hỗ trợ cho các đối tượng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn, hỗ trợ các đối tượng trong quá trình điều trị, ổn định tâm lý, thay đổi nhận thức, hành vi, tạo điều kiện sinh kế hoà nhập với cộng đồng.
- Các Đội công tác xã hội tình nguyện trong giai đoạn vừa qua đã cung cấp hơn 350 tin báo tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội cho cơ quan chức năng; phối hợp tuần tra phát hiện, xử lý 08 cơ sở dịch vụ Karaoke hoạt động quá giờ, 100 đối tượng tổ chức, sử dụng ma tuý, triệt xoá 07 tụ điểm mại dâm, xử lý 10 vụ mua bán dâm; tiếp cận, tư vấn, can thiệp, quản lý đối với 505 đối tượng sử dụng ma túy, 320 người nghiện ma tuý, 37 người bán dâm, 03 người nhiễm HIV/AIDS; vận động được 167 người đi điều trị nghiện bằng Methadone, 15 người đi cơ sở cai nghiện tự nguyện; phối hợp với Công an địa phương lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối 47 đối tượng, đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với 50 đối tượng; vận động hỗ trợ cho vay vốn, học nghề, tạo việc làm cho 52 đối tượng là người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, người chấp hành xong án phạt tù; thu gom hơn 5.000 bơm kim tiêm qua sử dụng ở cộng đồng.
4.3. Về việc lồng ghép các hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện vào các chương trình kinh tế xã hội và hoạt động phong trào ở địa phương.
- Để nâng cao hiệu quả công tác hoạt động, nhiều Đội công tác xã hội tình nguyện trong thời gian qua đã chủ động tham gia các chương trình kinh tế xã hội tại địa phương như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, bình đẳng giới,… thông qua đó đã giới thiệu, hỗ trợ người nghiện ma tuý, người bán dâm, người nhiễm HIV/AIDS tham gia học nghề, vay vốn sinh kế; vận động tổ chức, cá nhân quan tâm, tạo việc làm cho đối tượng. Công tác phối hợp giữa Đội công tác xã hội tình nguyện với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội, đoàn thể ở địa phương được tăng cường. Nhiều nội dung tuyên truyền của Đội được lồng ghép vào các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không tệ nạn ma túy, mại dâm”,… góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động phong trào cũng như hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện ở nhiều địa phương.
- Ngoài ra, nhiều Đội công tác xã hội tình nguyện đã tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19, như tham gia tuyên truyền, cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn cho người dân, vận động hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn, mất việc làm, thu nhập do dịch bệnh.
5. Công tác kiểm tra, giám sát
- Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đi kiểm tra tại nhiều địa phương về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cũng như công tác xây dựng và tổ chức các hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện; yêu cầu các địa phương thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về Sở để theo dõi, báo cáo. Qua đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện ở các địa phương và có giải pháp, biện pháp khắc phục, cũng như đề xuất, ý kiến đối với các cơ quan chức năng, chuyên môn liên quan và cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ.
- Tổng số đợt tổ chức đi kiểm tra, giám sát tại địa phương: 15 đợt; số xã, phường, thị trấn có Đội công tác xã hội tình nguyện kiểm tra: 30 địa phương; số lượng văn bản báo cáo 65 (12 báo cáo của Sở; 53 báo cáo của các địa phương).
Đánh giá chung
Có thể thấy công tác xây dựng và tổ chức các hoạt động của Đội công tác xã hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh; thông qua hoạt động của đội công tác xã hội tình nguyện công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân được tăng cường; công tác đấu tranh đối với các loại tội phạm trên địa bàn được đẩy mạnh; người nghiện ma tuý, bán dâm, nạn nhân bị mua bán, nhiễm HIV/AIDS được quan tâm, theo dõi, quản lý, tư vấn, hỗ trợ; công tác dự phòng phát sinh tệ nạn xã hội được quan tâm hơn so với trước đây. Qua đó giúp các địa phương kiểm soát được tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Song song với kết quả đạt được trong công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
* Những tồn tại, hạn chế
- Công tác phối hợp, triển khai thực hiện đôi lúc còn lúng túng, nhất là ở cấp xã trong việc thực hiện quy trình thủ tục, hồ sơ thành lập Đội, xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ hoạt động; nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí kịp thời để các Đội tổ chức các hoạt động trong năm.
- Các nội dung nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện chưa được phổ biến sâu rộng đến các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân trên địa bàn; chưa vận động được nhiều đối tượng và người dân hưởng ứng, tích cực tham gia vào các hoạt động của Đội.
- Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của các thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện còn hạn chế chưa đảm bảo thực hiện tốt công tác lập hồ sơ quản lý, tổ chức giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cai nghiện, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma tuý, người bán dâm, người nhiễm HIV/AIDS, tham gia công tác đấu tranh, tổ chức các hoạt động truyền thông, ...
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đội công tác xã hội tình nguyện ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo đạt được các chỉ tiêu đặt ra.
Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội mang lại chưa cao, các chủ trương, chính sách pháp luật trên các lĩnh vực phòng, chống ma tuý, mại dâm, mua bán người và HIV/AIDS chưa đến được đến hết với người dân; nhiều địa phương chưa tập trung tuyên truyền phòng, ngừa phát sinh tệ nạn xã hội, lây nhiễm HIV/AIDS cho nhóm có nguy cơ cao trên địa bàn.
Công tác quản lý, tư vấn, giáo dục, vận động, cảm hoá đối tượng vi phạm pháp luật, nghiện ma tuý, mua bán dâm, nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng đôi lúc còn lỏng lẻo, chưa được thường xuyên, chưa đảm bảo chất lượng chuyên môn; công tác vận động đối tượng tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, điều trị Methadone, đăng ký học nghề, vay vốn, tìm kiếm việc làm còn hạn chế; nhận thức thay đổi hành vi nhân cách của nhóm đối tượng nghiện ma tuý, người bán dâm chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ; công tác phối hợp giữa Đội công tác xã hội tình nguyện với các ngành chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm còn hạn chế, chưa phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều trường hợp phạm pháp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều Đội công tác xã hội tình nguyện chưa chủ động lồng ghép nội dung công tác cũng như chưa tích cực tham gia vào các chương trình kinh tế xã hội và các hoạt động phong trào ở địa phương. Một số địa phương tổ chức các hoạt động cho Đội công tác xã hội tình nguyện còn nghèo nàn, chưa mang lại hiệu quả.
- Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát các xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện chưa được thường xuyên, chưa nắm bắt được hết thông tin, để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn; nhiều địa phương thực hiện chế độ thông tin báo cáo đôi lúc còn chậm trễ, sơ sài.
- Kinh phí hỗ trợ đối với Đội công tác xã hội tình nguyện ở xã, phường, thị trấn còn hạn chế, chưa đảm bảo cho việc tổ chức tốt các hoạt động theo yêu cầu.
* Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
- Vẫn còn nhiều địa phương chưa thật sự chú trọng đến công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cũng như công tác xây dựng và tổ chức các hoạt động cho Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn, chưa xem nội dung công tác này là nhiệm vụ quan trọng, dẫn đến chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo; xem công tác phòng, chống ma tuý, mại dâm, mua bán người, HIV/AIDS là của các ngành Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội nên đôi lúc phối hợp chưa được đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời; chưa thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo đúng quy định.
- Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chậm đổi mới, hình thức, nội dung còn nghèo nàn, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng, chưa được duy trì thường xuyên, chưa được tăng cường lồng ghép vào các chương trình khác ở các ngành và ở các địa phương.
- Công tác tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện chưa được đầu tư đúng mức, nội dung chưa chuyên sâu, chưa có chương trình bài bản, chi tiết, chủ yếu do các cơ quan của tỉnh tổ chức; mặt khác trong thời gian qua nhiều thành viên ở các Đội công tác xã hội tình nguyện thường xuyên thay đổi gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
- Nhiệm vụ của Đội công tác xã hội tình nguyện được quy định có tính đa dạng, phức tạp và đòi hỏi các thành viên tham gia phải có kỹ năng, chuyên môn nhất định, nhiệt tình và tâm huyết với công việc, trong khi năng lực của các thành viên của Đội còn hạn chế, nguồn lực hỗ trợ thấp, chưa thu hút dẫn đến hiệu quả mang lại từ các hoạt động chưa cao; nhiều Đội công tác xã hội tình nguyện chưa chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, vận động, cảm hoá, giáo dục, hỗ trợ cho các đối tượng, đôi lúc tổ chức còn mang tính hình thức, qua loa, không bám sát với yêu cầu thực tế ở địa phương; các đối tượng còn mặt cảm, tự ti, khó tiếp cận; cộng đồng vẫn còn kỳ thị, xa lánh đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm, nhiễm HIV/AIDS; nhiều gia đình chưa hợp tác với cơ quan chính quyền cũng như còn thiếu kiến thức, phương pháp, kỹ năng để hỗ trợ trong việc quản lý, can thiệp tâm lý, điều trị cho đối tượng; tình hình tệ nạn ma tuý, mại dâm, mua bán người và lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn ngày càng phức tạp, khó lường và khó kiểm soát.
- Công tác kiểm tra, giám sát các xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện đôi lúc còn bị xem nhẹ, bỏ ngỏ; cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chất lượng tham mưu đối với công tác này chưa cao.
- Các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ xây dựng Đội công tác xã hội tình nguyện là các địa phương có nhiều tệ nạn xã hội, có điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cũng như hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Đội còn hạn chế; các định mức quy định hỗ trợ cho các thành viên và để tổ chức các hoạt động hằng năm cho Đội theo nghị quyết đề ra còn thấp, chưa tương xứng với trách nhiệm và nhiệm vụ được giao, bên cạnh đó, nhiều thành viên của Đội chưa tích cực, thiếu tâm huyết với công việc nên hiệu quả hoạt động mang lại chưa cao.
Trên đây là kết quả xây dựng và tổ chức các hoạt động của Đội công tác xã hội ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn vừa qua./.