Tạo cơ hội cho trẻ em khuyết tật, nạn nhân da cam hòa nhập cộng đồng

Ngày 10/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Nam phối hợp Tổ chức Medipeace gặp mặt giao lưu trẻ em khuyết tật trên địa bàn. Hoạt động trên được tổ chức nhân Kỷ niệm 61 năm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Chương trình thu hút gần 200 trẻ khuyết tật, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam (từ 10 đến 16 tuổi) trên địa bàn các huyện: Phú Ninh, Núi Thành, Hiệp Đức, Tiên Phước, Tam Kỳ và trẻ khuyết tật của Trung tâm PHCN thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Nam.

Chương trình giao lưu của gần 200 trẻ khuyết tật tại tỉnh Quảng Nam.

Tại chương trình, bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, việc chăm sóc và quan tâm người khuyết tật, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam không chỉ là trách nhiệm của các gia đình, các ngành, các cấp mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

"Chúng ta không chỉ chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khoẻ của các em, mà hơn hết phải tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội hòa nhập xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho các em", bà Ngọc nhấn mạnh.

Giám đốc quốc gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Giám đốc quốc gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam - ông Cho Han-Deog cho biết, hàng triệu người dân tại Việt Nam và các quốc gia khác đã phải chịu những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần do chất độc da cam gây ra. KOICA từ lâu đã tập trung thực hiện các dự án và chương trình hợp tác phát triển hòa nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam.

Một trong những dự án đó là "Phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam 2021-2023", đang được triển khai thực hiện bởi Medipeace.

Đến nay, Dự án đã thành lập 9 phòng phục hồi chức năng tại các trạm y tế, cải tạo 80 ngôi nhà cho trẻ em khuyết tật và cung cấp trang thiết bị phục hồi chức năng tại 3 bệnh viện cấp tỉnh và số lượng sẽ còn tiếp tục tăng lên.