1. Mục đích, yêu cầu
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động ở các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường công tác phòng ngừa, giảm hại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ đối với người bán dâm ở cộng đồng; từng bước kiểm soát và tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội hỗ trợ đối với người bán dâm; hỗ trợ người bán dâm phòng ngừa, điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS, tạo điều kiện về sinh kế, có công việc mới, có thu nhập, ổn định cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng.
- Xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, các đối tượng phạm tội mua, bán, môi giới, chứa chấp, tổ chức mại dâm theo đúng quy định.
2. Một số chỉ tiêu cụ thể
- Trên 70% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên.
- Thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên cơ quan báo chí của cấp tỉnh ít nhất một tháng một lần.
- Trên 70% nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 50% người lao động trong các khu, cụm công nghiệp; 50% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
- 100% các trường hợp tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời.
- Trên 50% các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được tổ chức kiểm tra.
- 100% các tội phạm liên quan đến mại dâm đều được xử lý theo quy định của pháp luật.
- 100% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng.
- Trên 70% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
3.1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội đoàn thể ở các cấp trong việc thực hiện các quy định về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng với quan điểm cương quyết đẩy lùi, bài trừ tệ nạn mại dâm; thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp trong công tác đấu tranh gắn với việc vận động, giúp đỡ người bán dâm hoàn lương, ổn định cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng; nâng cao hiệu quả quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; tăng cường nguồn lực thông qua việc lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng vào các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tăng cường các chính sách hỗ trợ cho người bán dâm, cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn.
3.2. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, tham vấn hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, đối tượng, thu hút được nhiều người tham gia; tập trung vào các đối tượng đích, đối tượng có nguy cơ cao, phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên đang theo học ở các trường, công nhân ở các nhà máy, các khu công nghiệp, lao động nữ ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn; chú trọng đến các địa phương có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, có tệ nạn mại dâm phức tạp, có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống; xây dựng, tăng cường thời lượng phát sóng, đăng bài và tổ chức tuyên truyền đến người dân về tác hại, hậu quả của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội, thực trạng các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS lây nhiễm trong nhóm người mua bán dâm, những nhận định sai lầm về công tác này, phổ biến các chính sách hỗ trợ đối với người bán dâm, vận động cộng đồng, xã hội quan tâm hỗ trợ người bán dâm hoàn lương, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng; phát huy hiệu quả các kênh thông tin, truyền thông ở các cấp; tăng cường lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống mại dâm vào các hoạt động phong trào, chương trình kinh tế xã hội khác.
3.3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn; xây dựng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên về công tác phòng, chống mại dâm; trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, trực tiếp làm việc với người bán dâm trên địa bàn; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên của Đội kiểm tra liên ngành các cấp phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực mại dâm theo quy định.
3.4. Mở rộng các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho người có nguy cơ cao, người bán dâm trên địa bàn; khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu của các đối tượng, xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực trợ giúp, hỗ trợ khám chữa bệnh, học nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn,…, lồng ghép hoạt động này vào các chương trình kinh tế xã hội ở địa phương; tăng cường cấp dịch vụ giảm hại, kịp thời can thiệp, hỗ trợ dự phòng lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, HIV/AIDS, phòng, chống bị bạo lực cho người bán dâm; xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, ngừa giảm hại, hỗ trợ người bán dâm ở ngoài cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam trong công tác tiếp nhận hỗ trợ khẩn cấp đối với người bán dâm trên địa bàn.
3.5. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương về việc thực hiện các quy định về phòng, chống mại dâm, các chính sách hỗ trợ cho người bán dâm; tổ chức các hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm ở các cấp; sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh công tác hỗ trợ người bán dâm trên địa bàn; rà soát, quản lý số liệu, thông tin về người bán dâm; ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ cho người bán dâm, cho cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn.
- Hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống mại dâm, các chính sách hỗ trợ đối với người bán dâm theo quy định; hướng dẫn các địa phương xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, ngừa giảm hại, hỗ trợ người bán dâm ngoài cộng đồng; chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện tiếp nhận, hỗ trợ đối với người bán dâm bị bạo lực tình dục.
- Tổ chức, hướng dẫn các hoạt động tuyên truyền về phòng, ngừa tệ nạn mại dâm, phổ biến các chính sách hỗ trợ đối với người bán dâm; hỗ trợ tổ chức tư vấn, tham vấn tại các địa phương có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ có tệ nạn mại dâm phức tạp, có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống; xây dựng và cung cấp nội dung tuyên truyền về phòng, chống mại dâm.
- Tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn can thiệp tâm lý, hỗ trợ người bán dâm khi bị bạo lực tình dục cho cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm ở địa phương, cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ đối tượng tại Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác phòng, chống mại dâm cho thành viên của Đội kiểm tra liên ngành các cấp.
- Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người bán dâm; tham gia các hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; tổ chức sơ kết, tổng kết, thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn.
4.2. Công an tỉnh
- Chỉ đạo công an địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý, nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác đấu tranh về phòng, chống mại dâm.
- Tổ chức tập huấn về công tác lập hồ sơ, xử lý, hướng dẫn áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm cho công an địa phương.
- Tổ chức điều tra, khám phá các vụ án, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, không để hình thành các tụ điểm nóng, đường dây hoạt động mại dâm gây bức xúc trong dư luận; tổ chức kiểm tra các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống mại dâm.
4.3. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng và địa phương thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống mại dâm gắn với công tác phòng, chống tội phạm ma túy và phòng, chống mua bán người; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức điều tra, triệt phá, đấu tranh đối với tội phạm mua bán người, các tụ điểm mại dâm ở khu vực biên giới, cửa khẩu; giải cứu, xác minh, xác định, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán trong đó có nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm theo đúng quy định.
4.4. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
- Phối hợp với các ngành liên quan kiện toàn, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng Kế hoạch và tổ chức hoạt động đối với Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm của tỉnh; xử lý nghiêm, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm khi phát hiện.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Đội kiểm tra liên ngành ở các địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong đó có công tác phòng, chống mại dâm; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên của Đội kiểm tra liên ngành.
- Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm ở các cấp.
4.5. Sở Y tế
- Phối hợp hỗ trợ khám sức khoẻ, triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại cho người lao động ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh tăng cường cung cấp, tạo điều kiện cho người bán dâm ở cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ dự phòng, khám và điều trị HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chương trình cai nghiện Methadone cho người bán dâm nghiện ma túy; hỗ trợ các địa phương cung cấp các dịch vụ y tế cho người bán dâm thông qua các hoạt động mô hình.
4.6. Sở Tư pháp
Hướng dẫn công tác tư vấn, trợ giúp các thủ tục pháp lý cho người bán dâm theo quy định; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm.
4.7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố, Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn phối hợp với các ngành ở địa phương lồng ghép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, phổ biến các chính sách hỗ trợ đối với người bán dâm.
- Phối hợp với ngành công an tăng cường quản lý, ngăn chặn và xử lý các hoạt động môi giới, bán dâm sử dụng công nghệ cao, các website quảng cáo, mạng xã hội,...
4.8. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Triển khai lồng ghép việc giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy, mua bán người, HIV/AIDS, phù hợp với lứa tuổi học sinh; chỉ đạo các trường trực thuộc tăng cường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục học sinh thực hiện nếp sống, lối sống lành mạnh, không vi phạm tệ nạn xã hội, có ý thức tự bảo vệ và tránh xa tệ nạn mại dâm.
- Tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý đối với học sinh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để bị dụ dỗ, lôi kéo, sa vào tệ nạn xã hội trong đó có tệ nạn mại dâm.
4.9. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn; hướng dẫn quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí theo đúng quy định.
4.10. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam
Xây dựng nội dung, tăng thời lượng, duy trì đăng và phát sóng các chuyên mục, bản tin về phòng, chống mại dâm; cảnh báo hậu quả của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội, các quan niệm lạc hậu, sai lầm, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về công tác phòng, chống mại dâm, phổ biến các chính sách hỗ trợ đối với người bán dâm,…
4.11. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
- Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn năm 2023; đảm bảo nội dung, đạt được các mục tiêu chung của tỉnh đề ra; bố trí kinh phí để thực hiện.
- Chỉ đạo cho các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường phối hợp trong công tác đấu tranh, hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; tăng cường tổ chức các hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành trên lĩnh vực phòng, chống mại dâm; đầu tư xây dựng, nhân rộng, duy trì các hoạt động của mô hình phòng ngừa, giảm hại, hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng; thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; bố trí kinh phí đảm bảo cho các hoạt động, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định; thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác phòng, chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm hoà nhập cộng đồng trên địa bàn.
4.12. Đề nghị Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
Chỉ đạo giám sát, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến mại dâm, tăng cường các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm, thông qua việc tổ chức các phiên tòa, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội nhằm răn đe, giáo dục, tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này.
4.13. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên công sản Hồ Chí minh tỉnh
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền vào các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc”,… ở địa phương; tham gia quản lý, tư vấn, giúp đỡ người bán dâm hoàn lương ổn định cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng.
Trên đây là một số nội dung chính của Kế hoạch số 1405/KH-UBND về thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2023./.