Hội nghị triển khai công tác Trẻ em và Bình đẳng giới năm 2023

Thực hiện Kế hoạch số 1297/KH-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023, Kế hoạch số 1366/KH-UBND ngày 14/3/2023 về triển khai thực hiện công tác Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023, sáng ngày 31.3.2023, tại Hội trường Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, đồng chí Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác trẻ em và bình đẳng giới năm 2023, thành phần tham dự gồm: Lãnh đạo Thanh Tra Sở, Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở; đại diện Lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác trẻ em và bình đẳng giới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác trẻ em và bình đẳng giới 36 xã, phường, thị trấn (mỗi huyện/ thị xã/thành phố 02 xã/phường/thị trấn).

Đ/c Lưu Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở phát biểu khai mạc Hội nghị

                Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Lãnh đạo Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn vướng mắc của công tác trẻ em và bình đẳng giới trong năm 2022, đồng thời triển khai nội dung trọng tâm của các Kế hoạch thực hiện công tác trẻ em, bình đẳng giới năm 2023.

                Về công tác trẻ em: Trong năm 2022, trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo chủ đề “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Cục Trẻ em, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các cấp đã kịp thời tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch trọng tâm về bảo vệ,chăm sóc trẻ em. Các hoạt động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh được tổ chức hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động tập huấn nâng cao năng lực và truyền thông, tư vấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được chú trọng; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tăng; tỷ lệ trẻ em có nguy cơ lang thang; tỷ lệ trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm; trẻ em vi phạm pháp luật giảm dần; Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện để phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi ngày càng tăng, trong đó 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc đối tượng trợ giúp xã hội của Nhà nước được hưởng các chế độ theo quy định; các vụ việc vi phạm quyền trẻ em được giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, công tác trẻ em vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: Tình hình tai nạn, thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra; tình trạng trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện games, điện tử hoặc các trò chơi không lành mạnh có nguy cơ tăng cao; khu vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu, một số địa phương chưa quan tâm quy hoạch, bố trí đất để xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; đội ngũ làm công tác trẻ cấp huyện còn kiêm nhiệm nhiều việc; cấp xã, phường, thị trấn thường xuyên thay đổi nên gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động cho trẻ em…

Đ/c Nguyễn Huy, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở báo cáo tại Hội nghị

            Về Công tác bình đẳng giới: Nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về giới, bình đẳng giới, về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực. Các cấp chính quyền đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt các chính sách liên quan đến phụ nữ, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; từng bước lồng ghép giới trong ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch hoạt động của địa phương, đơn vị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ chủ chốt luôn được quan tâm, vì thế cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Đội ngũ cán bộ nữ có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và tinh thần trách nhiệm, vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện dưới nhiều hình thức phù hợp; công tác phối hợp liên ngành được chú trọng góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới trong năm đã đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đó là: Việc thực hiện công tác cán bộ nữ chưa được một số cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm, chỉ đạo đúng mức; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ nữ chưa đồng đều ở các cấp, các ngành. Còn nhiều cơ quan, đơn vị có trên 30% cán bộ, công chức, viên chức là nữ nhưng chưa thực hiện được chủ trương có ít nhất 01 nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa bố trí kinh phí cho hoạt động này; công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa có tác động mạnh làm chuyển biến nhận thức và hành động trong xã hội; công tác thống kê, thông tin báo cáo còn rất nhiều khó khăn do chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu có lồng ghép giới trên mọi lĩnh vực…

           Tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe đồng chí Nguyễn Thành Khả, Chánh Thanh tra Sở triển khai một số nội dung liên quan đến công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trong năm 2023.