* Đối với Chỉ số SIPAS: Mục tiêu của việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Việc đánh giá chỉ số này thông qua 05 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước; thủ tục hành chính; công chức giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.
Sở đã kịp thời rà soát, cập nhật, tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục TTHC, quy trình nội bộ các TTHC ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bị bãi bỏ ngay sau khi Bộ LĐ-TB&XH công bố; kịp thời cập nhật, công khai trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC và Trang thông tin điện tử của tỉnh, của cơ quan theo đúng thời gian quy định, 100% TTHC theo quy định thuộc phạm vi theo dõi, quản lý của Sở đã được niêm yết công khai trên cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh… nhằm tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện TTHC.
Sở thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung về kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ đến toàn thể CC, VC, NLĐ thuộc thẩm quyền quản lý nhằm nâng cao nhận thức về tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tiếp tục được Sở triển khai thực hiện tốt. Trong năm 2023, Sở đã thực hiện tiếp nhận 5.182 hồ sơ, 100% hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn.
Sở cũng đã duy trì tốt công tác tiếp công dân theo quy định. Trong năm 2023, lãnh đạo Sở và Thanh tra Sở đã tiếp 709 lượt công dân đến hỏi về chế độ chính sách (không có khiếu nại, tố cáo), trong đó lãnh đạo Sở đã tiếp 42 trường hợp. Qua tiếp công dân đã trực tiếp giải quyết và giải thích các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của Sở; đối với những nội dung không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở thì cán bộ tiếp dân hướng dẫn người dân đến các cơ quan có liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Kết quả đánh giá mức độ hài lòng chung của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đạt 78,04%, đứng thứ 13 trong tổng số 15 cơ quan, đơn vị được đánh giá. Sở LĐ-TB&XH xác định kết quả này là chưa tốt; trong thời gian đến cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn để cải thiện Chỉ số này, trong tâm là những nội dung sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận giải quyết TTHC. Chủ động, tích cực trong việc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với người dân; nâng cao trách nhiệm trong việc giải trình đối với người dân; kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém để khắc phục kịp thời. Chú trọng nhiều hơn đến việc tiếp nhận, xử lý những kiến nghị, góp ý của tổ chức, công dân; giải quyết triệt để những phản hồi, kiến nghị của người dân.
- Tăng cường quán triệt CC, VC, NLĐ thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương và quy tắc ứng ửng trong hoạt động công vụ, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và công tác tiếp công dân, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC. Xây dựng môi trường làm việc tại cơ quan văn minh, thân thiện.
- Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực xử lý công việc của đội ngũ CC, VC, NLĐ nhằm phục vụ người dân đầy đủ, chất lượng tốt, giúp người dân giải quyết công việc dễ dàng hơn; thực hiện nghiêm việc xin lỗi tổ chức, cá nhân khi hồ sơ trễ hạn; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những CC, VC, NLĐ có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu đối với tổ chức, công dân.
* Đối với chỉ số PAPI: Với chỉ số này, Sở LĐ-TB&XH là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, hướng dẫn về chỉ số nội dung thành phần “Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo” nằm trong chỉ số nội dung “Công khai minh bạch”.
Trong năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ của năm, ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo hoàn thành công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023.
Sở LĐ-TB&XH đã chú trọng tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, ngành và người dân biết, hiểu về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, về quy trình rà soát và tổ chức rà soát hộ nghèo, cận nghèo định kỳ năm 2023; về ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đã tổ chức các hội nghị tập huấn triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ rà soát và ứng dụng phần mềm “Connection” trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các địa phương, các thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã, cán bộ giảm nghèo cấp xã và đội ngũ rà soát viên để triển khai thực hiện theo đúng quy trình, công cụ rà soát.
18/18 huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo ở cấp huyện, cấp xã và có phân công cụ thể địa bàn đứng điểm của mỗi thành viên Ban Chỉ đạo. Công an các địa phương đã chủ động phối hợp cung cấp thông tin, số liệu số hộ dân cư, nhân khẩu để làm cơ sở tính tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ xác thực thông tin hộ gia đình được rà soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo thông tin thu thập chính xác, đầy đủ.
Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo từ khâu lập danh sách rà soát, tổ chức rà soát phân loại hộ gia đình, tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát đến niêm yết, thông báo công khai có sự tham gia đầy đủ của các cấp, ngành liên quan và người dân tham gia giám sát. Nhờ đó, kết quả rà soát đã phản ánh đúng thực chất những nỗ lực của tỉnh trong triển khai chính sách giảm nghèo bền vững thời gian qua.
Theo kết quả rà soát cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm còn 7,47% (33.071 hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều), giảm 2,1% so với cuối năm 2021 (giảm 8.258 hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 5,57% (24.669 hộ nghèo đa chiều), giảm 2,02% so với cuối năm 2021, bình quân mỗi năm giảm 1,01%; tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều có 1,90% (8.402 hộ cận nghèo đa chiều), tăng 0,02% so cuối năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở các huyện nghèo giảm bình quân mỗi năm: 7,92%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở các xã nghèo giảm 9,35%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số giảm bình quân mỗi năm: 9,88%. Kết quả giảm số hộ nghèo đa chiều năm 2023 đạt 149% so với kế hoạch của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đề ra năm 2022 (giảm 3.000 hộ nghèo) và vượt hơn 2,5 lần so với chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 (giảm từ 0,3-0,4%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện điều tra, rà soát; như cán bộ thôn, xã, thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã chưa nắm được nội dung quy trình, đối tượng điều tra, rà soát; quá trình điều tra, rà soát không thu thập và ghi chép đầy đủ thông tin hoặc không đúng quy trình điều tra; hầu hết rà soát viên ở cấp xã chọn là Trưởng thôn, khối phố và Trưởng ban công tác Mặt trận, công việc tại địa phương rất nhiều, tuổi lớn nên việc tiếp cận, sử dụng phần mềm rà soát và thực hiện các thao tác trên điện thoại còn khá chậm, vẫn còn sai sót... một số hộ dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo hoặc vào hộ nghèo, hộ cận nghèo dẫn đến cung cấp thông tin thiếu chính xác, nhất là các thông tin về tài sản, thu nhập.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, để công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời gian đến được triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định, Sở LĐ-TB&XH xác định những giải pháp cụ thể cần phải tập trung thực hiện như sau:
- Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục tập trung, quan tâm công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, đáng chú ý là kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ số hộ nghèo phát sinh hàng năm trên địa bàn và giải trình, báo cáo cụ thể các nguyên nhân phát sinh hộ nghèo. Có như vậy, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo mới bảo đảm đúng đối tượng, không bỏ sót và củng cố niềm tin của nhân dân với chủ trường đường lối của Đảng, chính sách, xã hội của Nhà nước đến với đối tượng bảo đảm, kịp thời hơn.
- Tăng cường tập huấn, hướng dẫn về chuẩn nghèo, quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025, ứng dụng công nghệ thông tin bằng phần mềm “Connection” trong rà soát HN, HCN theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cho các thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã, cán bộ giảm nghèo cấp xã (LĐ-TB&XH, Cộng tác viên giảm nghèo), nhất là đội ngũ rà soát viên để triển khai thực hiện theo đúng quy trình, công cụ rà soát.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương; kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện./.